Sức khỏe âm đạo là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo sức khỏe toàn diện ở người phụ nữ. Khi chúng gặp vấn đề, có thể khiến cho ham muốn tình dục cũng như khả năng sinh sản ở người phụ nữ bị ảnh hưởng.
TÓM TẮT BÀI VIẾT
1. Cấu tạo bộ phận sinh dục nữ bao gồm những cơ quan nào?
Bộ phận sinh dục nữ hay thường gọi là vùng kín phụ nữ bao gồm cơ quan bên sinh dục bên ngoài là âm hộ và các cơ quan sinh dục trong: âm đạo, tử cung, vòi trứng và buồng trứng.
- Âm hộ: gồm môi lớn, môi bé, các mô mỡ, tuyến mồ hôi, lông,… phía sau của môi cùng với các cơ tạo nên tầng sinh môn, nối với hậu môn
- Âm đạo: có dạng hình ống, nối âm hộ với tử cung, có độ co giãn tốt.
- Tử cung: hình dạng giống như quả lê, bao gồm phần đáy, thân và cổ tử cung.
- Vòi trứng: có hình ống, nối liền từ thân tử cung tới buồng trứng.
- Buồng trứng: màu trắng ngà và hình dạng giống như một quả hạnh nhân, có chứa các nang noãn.
2. Cấu tạo của âm đạo và vai trò của chúng với sức khỏe sinh sản nữ giới
Rất nhiều người thường nhầm lẫn, cho rằng bộ phận này bao gồm cả môi lớn, môi bé, âm vật song trên thực tế chúng hoàn toàn khác nhau. Xét về mặt vị trí, bộ phận này nằm phía bên trong của thành môi nhỏ, trên hậu môn và phía dưới lỗ niệu đạo.
Về hình dạng, nó có hình ống và tại đây thực hiện một số hoạt động như:
- Khi bạn quan hệ tình dục, đây là bộ phận tiếp nhận dương vật.
- Khi bạn hành kinh thì đây là nơi máu kinh sẽ đi qua để thoát ra bên ngoài.
- Khi bạn sinh con, thai nhi cũng ra ngoài qua đường này.
Về cấu tạo bao gồm:
Vùng tiền đình
Còn gọi là lỗ mở, ở ngoài cùng, là cửa vào, nằm nối giữa niệu đạo và hậu môn.
Vùng thành
Do các cơ cấu tạo nên với lớp màng nhầy bao phủ. Bề mặt của nó có nhiều nếp gấp để thực hiện chức năng giãn nở trong khi quan hệ hoặc sinh đẻ.
Các mô ở đây có sự thay đổi theo sự thay đổi của estrogen trong các thời điểm khác nhau của chu kỳ.
Màng trinh
Là lớp màng mỏng bảo vệ cửa âm đạo. Màng này không kín hoàn toàn và ở phần lớn mọi người, sẽ bị rách trong lần quan hệ đầu tiên. Một số trường hợp có sự tác động hoặc tập thể dục nặng, nó cũng có thể bị rách.
3. Một số bệnh lý thường gặp ở bộ phận này
Rất nhiều vấn đề khác nhau có thể xảy ra ở đây, chẳng hạn như:
Viêm nhiễm
Với các nguyên nhân dẫn đến là vi khuẩn, virus hoặc nấm men và có thể gây ra các hiện tượng như: ngứa ngáy và nóng rát, đau những khi quan hệ hoặc tiểu tiện, dịch tiết bị đổi màu, đổi mùi,…
Bệnh rất dễ gặp ở chị em kể cả đã có quan hệ tình dục hay chưa và một người trong cuộc đời có thể bị nhiều lần. Thông thường, đây không phải là loại bệnh quá nguy hiểm song nếu chúng cứ dai dẳng, kéo dài, có thể gây suy giảm chức năng sinh sản hoặc dẫn tới những bệnh nghiêm trọng hơn.
Teo âm đạo
Thường xảy ra với chị em tuổi mãn kinh do sự giảm mạnh của estrogen. Lúc này các mô ở đây bị co và mỏng dẫn tới tình trạng ống bị thu hẹp và không còn đàn hồi tốt nữa.
Điều này dẫn tới việc khi quan hệ tình dục, chị em sẽ gặp phải tình trạng đau rát và thậm chí là chảy máu, hứng thú vì thế mà cũng không còn.
Sa âm đạo
Là hiện tượng bộ phận này bị kéo giãn, tụt xuống khỏi vị trí bình thường và thường kèm theo suy yếu các mô của tử cung. Những người béo phì, mãn kinh và táo bón kéo dài có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
Ung thư
Là tình trạng hiếm gặp, chủ yếu do virus HPV gây ra. Bệnh có khả năng chữa khỏi khi phát hiện sớm.
4. Các biện pháp giữ cho vùng kín phụ nữ được khỏe mạnh
Các bộ phận ở vùng kín cần được chăm sóc, bảo vệ đúng cách với một số biện pháp như sau để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Giữ vệ sinh một cách khoa học
Giữ cho vùng này luôn sạch sẽ là việc làm rất quan trọng song chị em cần biết rằng điều này không đồng nghĩa với việc sử dụng các chất tẩy rửa mạnh hoặc các hành động thụt rửa quá sâu.
Tốt nhất là nên sử dụng dung dịch, băng vệ sinh không mùi, độ pH cân bằng. Cùng với đó, chọn chất liệu quần áo thấm hút mồ hôi, kiểu dáng thoải mái.
Duy trì một đời sống tình dục an toàn
Thực hiện chế độ chung thủy, không quan hệ với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh xã hội cao, sử dụng bao cao su bảo vệ.
Tập thể dục, đặc biệt là các bài tập Kegel
Chúng vừa giúp tăng sức khỏe cho nhóm cơ sàn chậu, cơ âm đạo, vừa giúp cải thiện và tăng hứng thú tình dục.
Tiêm phòng
Tiêm vắc xin ngừa HPV theo chỉ dẫn để bảo vệ khỏi nguy cơ các bệnh do loại virus này gây ra.
Khám phụ khoa, sàng lọc nguy cơ ung thư
Việc khám phụ khoa định kỳ có thể giúp sớm tìm ra các dấu hiệu bất thường để khắc phục. Cùng với đó, sàng lọc là cách tốt nhất để phát hiện nguy cơ của ung thư cổ tử cung – một trong những mối đe dọa lớn với cuộc sống của chị em.
Với những kiến thức trên, hy vọng chị em sẽ nâng cao ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ sức khỏe vùng kín. Khi có nhu cầu thực hiện các dịch vụ thuộc về lĩnh vực sản phụ khoa, chị em hãy tới các Phòng khám Dr. Marie trên toàn quốc hoặc gọi tới số 1900 55 88 82 để được hướng dẫn chi tiết.