THIẾU MÁU THIẾU SẮT Ở PHỤ NỮ

Tìm thông tin tương tự

18-09-2020 | Tác giả: | Ngày cập nhật: 24-09-2020

Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, khoảng 66.1% phụ nữ mang thai trong quý 3 của thai kỳ bị thiếu máu thiếu sắt. 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng không bù đủ sắt cho nhu cầu cơ thể. Tăng cường sử dụng các sản phẩm giàu sắt trong thực đơn hàng ngày và uống bổ sung viên sắt khi có chỉ định là cách hiệu quả để dự phòng và điều trị các rối loạn sinh học do thiếu sắt gây ra.VDD khuyến cáo bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ.  

Từ câu chuyện về con cá sắt ở Campuchia

 Tiến sĩ khoa học người Canada Christopher Charles nảy ra ý tưởng làm con cá sắt (Lucky Iron Fish) để bổ sung sắt cho bữa ăn của hàng ngàn gia đình ở Kandal, một tỉnh miền nam Campuchia khi ông nhận thấy nơi đây có nhiều em nhỏ gầy yếu, chậm phát triển về tinh thần và thể chất còn phụ nữ thì hay mệt mỏi và giảm khả năng lao động. Tất cả những trường hợp này đều có tình trạng thiếu máu thiếu sắt.

Xuất phát từ những nghiên cứu cho thấy nấu ăn bằng nồi gang giúp tăng hàm lượng sắt trong thực phẩm, Christopher quyết định thử cho một cục sắt được làm thành hình con cá vào nồi nấu ăn hàng ngày của người dân cùng với một ít nước cốt chanh.

Kết quả đem lại khá khả quan và tình trạng thiếu máu của quần thể nghiên cứu dần được cải thiện. Ngày nay, tại nhiều vùng ở Campuchia, Lucky Iron Fish trở nên quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình. 

Không chỉ xảy ra ở Campuchia, thiếu máu là vấn đề sức khỏe của nhiều quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, tình trạng này khá phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ. Có tới 26% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu, chủ yếu do thiếu sắt. Nghiên cứu của viện dinh dưỡng quốc gia cũng cho thấy 66.1% phụ nữ mang thai trong quý 3 của thai kỳ bị thiếu máu thiếu sắt 

Thiếu máu thiếu sắt là gì?  

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng bệnh lý xảy ra khi cơ thể không đủ hàm lượng sắt dự trữ để tạo máu. Mặc dù tổng lượng sắt trong cơ thể không lớn nhưng nó có vai trò sinh học rất quan trọng. Sắt là thành phần trung tâm cấu tạo nên cấu trúc Hem ở hồng cầu (hemoglobin) và hệ cơ (myoglobin). Nó còn có mặt trong cấu trúc của các enzyme chuyển hóa năng lượng bên trong tế bào và các enzyme có chức năng miễn dịch.

Khi sắt bị thiếu hụt, sự vận chuyển oxy đến các mô cơ thể giảm sút, kéo theo các phản ứng chuyển hóa sinh năng lượng không hiệu quả: cơ thể mau mệt mỏi, ngủ gật, kém tập trung và khó ghi nhớ…Người bị thiếu máu thường có da xanh niêm mạc nhợt nhạt, móng tay, móng chân dễ gãy và biến dạng, tóc khô cứng, dễ gãy…Ở trẻ nhỏ, hàm lượng sắt trong cơ thể có liên quan mật thiết tới sự phát triển trí não. Trẻ em bị thiếu máu thường còi cọc, biếng ăn, chậm lớn, khó tập trung, khó ghi nhớ và học hỏi. Cá biệt có trường hợp trẻ em bị suy tim do thiếu máu thiếu sắt.

Chẩn đoán xác định thiếu máu thiếu sắt dựa chủ yếu vào các xét nghiệm máu: kết quả cho thấy tế bào hồng cầu nhỏ hơn và nhạt màu hơn so với bình thường, hàm lượng Hemoglobin trong máu thường thấp hơn và lượng Ferritin (protein dự trữ sắt trong máu) ở mức thấp. Thiếu máu thiếu sắt về cơ bản khác so với các bệnh lý thiếu máu do tan máu, thiếu máu do ung thư hay do suy tế bào tủy. 

Ai có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt?  

Sắt được đưa vào cơ thể qua con đường ăn uống. Thiếu máu thiếu sắt có thể gặp ở nhiều nhóm tuổi nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ. Trong những giai đoạn phát triển đặc biệt này, cơ thể rất cần được tăng cường hàm lượng sắt từ chế độ dinh dưỡng.

Người có chế độ ăn uống thiếu thốn, thói quen ăn uống kiêng khem thiếu khoa học, bệnh nhân sau phẫu thuật cắt đoạn dạ dày hoặc có hội chứng rối loạn hấp thu, mắc các bệnh lý gây mất máu mạn tính như nhiễm giun móc, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt kiểu cường kinh hoặc rong kinh…đều có thể gặp tình trạng thiếu máu thiếu sắt.  

Điều trị thiếu máu thiếu sắt như thế nào? 

Một khi đã được chẩn đoán thiếu máu, cần nhanh chóng bổ sung sắt để khôi phục lại dự trữ sắt cho cơ thể. Căn cứ mức độ thiếu máu, Bác sĩ sẽ ra quyết định về liệu trình điều trị cụ thể.

Trên thực tế, có thể sẽ mất một vài tháng hoặc lâu hơn để bù lại dự trữ sắt thiếu hụt. Đối với trẻ em hoặc người lớn bị thiếu máu thể nhẹ, Bác sĩ có thể khuyên dùng multi-vitamin có chứa sắt để uống hàng ngày hoặc chỉ định viên sắt theo toa. Sắt được hấp thu tốt nhất khi dạ dày trống nhưng vì nó có thể gây kích ứng dạ dày nên có thể cần dùng sau bữa ăn nhẹ.

Vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt qua đường tiêu hóa. Vì thế, việc bổ sung sắt sẽ hiệu quả hơn nếu uống cùng với nước chanh hoặc cam. Ngoài ra, nếu bạn đang điều trị bệnh dạ dày bằng các thuốc kháng acid, nên uống viên sắt trước hai giờ hoặc sau bốn giờ uống các thuốc này để tránh giảm hấp thu. Việc bổ sung sắt có thể gây táo bón, vì vậy Bác sĩ thường khuyên tăng cường thêm các chất xơ tự nhiên hoặc chỉ định thêm các thuốc làm mềm phân. 

Bên cạnh việc bù sắt, Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân gây giảm hàm lượng sắt dữ trữ của cơ thể. Ví dụ: sử dụng kháng sinh và các thuốc khác để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, phẫu thuật để loại bỏ polyp chảy máu, khối u hoặc xơ. Nếu thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng, truyền máu có thể giúp bổ sung hàm lượng hemoglobin một cách nhanh chóng. 

Làm gì để dự phòng thiếu máu thiếu sắt? 

Có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt bằng cách sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt đặc biệt là các loại thịt đỏ như thịt bò, lợn, một số loại hải sản, gia cầm, trứng, đậu hà lan, các loại rau có màu xanh đậm… 

Theo khuyến nghị của VDD quốc gia, nhu cầu về sắt cho phụ nữ có thai là 24 – 30mg / ngày, thiếu nữ 16 -18 tuổi: 24mg/ ngày. Ở phụ nữ mang thai và nuôi con bú, bổ sung chất sắt trong khẩu phần ăn là việc làm cần thiết để đảm bảo nền tảng dinh dưỡng tốt cho sự phát triển khỏe mạnh của mẹ và trẻ sơ sinh bú mẹ.

Hiện cũng có sẵn nhiều loại thực phẩm được phân liều và đóng gói sẵn dưới dạng các viên nén rất thuận lợi cho sử dụng. Một số viên bù sắt và axit folic còn được tăng cường thêm tảo spirula và các chất xơ tự nhiên để ngăn ngừa tình trạng táo bón. Như vậy, chị em phụ nữ có rất nhiều lựa chọn bù sắt cho mình với chi phí thấp mà không cần phải đun nấu cá sắt mỗi khi có nhu cầu. 

Nếu bạn là phụ nữ và có những yếu tố nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, đừng ngần ngại khám Bác sĩ để điều trị nguyên nhân triệt để và biết cách bổ sung nguồn vi chất quan trọng này trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Bình luận của bạn

TÓM TẮT BÀI VIẾT