CHLAMYDIA LÀ BỆNH GÌ?

23-09-2020 | Tác giả: | Ngày cập nhật: 24-09-2020

Chlamydia là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD) phổ biến có thể được chữa khỏi dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh chlamydia sẽ khiến nữ giới khó có con.

Chlamydia là gì?

Chlamydia là bệnh STD phổ biến mà cả nam giới và nữ giới đều có thể nhiễm. Bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng và vĩnh viễn tới cơ quan sinh sản của nữ giới. Từ đó khiến nữ giới khó hoặc thậm chí là không thể mang thai về sau.

Chlamydiacòn có thể gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm (tức là thai nằm ngoài tử cung).

Chlamydia lây lan như thế nào?

Bạn có thể mắc bệnh chlamydia nếu quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng với người bị mắc chlamydia. Nếu bạn tình của bạn là nam giới, bạn vẫn có thể mắc chlamydia ngay cả khi người đó không xuất tinh.

Nếu đã từng bị mắc bệnh chlamydia và đã được điều trị, bạn vẫn có thể bị lây nhiễm lại. Đó có thể là do bạn quan hệ tình dục không an toàn với người bị mắc chlamydia. Nếu mang thai, bạn có thể lây truyền chlamydia cho con mình trong lúc sinh.

Tôi có thể giảm nguy cơ mắc chlamydia bằng cách nào?

Cách duy nhất để tránh các bệnh STD là không quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng.

Nếu có quan hệ tình dục, bạn có thể làm theo các hướng dẫn sau đây để giảm nguy cơ mắc chlamydia:

  • Duy trì mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài từ cả hai phía với người bạn tình đã được xét nghiệm và có kết quả kiểm tra âm tính với STD;
  • Dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.

Tôi có nguy cơ mắc bệnh chlamydia không?

Ai quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng đều có thể bị mắc bệnh chlamydia. Tuy nhiên, người trẻ tuổi hay quan hệ tình dục sẽ có nguy cơ mắc bệnh chlamydia cao hơn. Điều này là do tác động từ hành vi và các yếu tố sinh học thường thấy ở giới trẻ. Đồng tính nam, người lưỡng tính và những nam giới hay quan hệ đồng tính khác đều có nguy cơ mắc bệnh bởi chlamydia có thể lây truyền qua quan hệ tình dục đường miệng hoặc hậu môn.

Hãy chia sẻ cởi mở và trung thực với người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn. Hỏi xem liệu bạn có cần phải xét nghiệm bệnh chlamydia hoặc STD không. Nếu là nữ giới dưới 25 tuổi và hay quan hệ tình dục, bạn nên làm xét nghiệm chlamydia hàng năm. Nếu là phụ nữ lớn tuổi có các yếu tố nguy cơ như có bạn tình mới hoặc có nhiều bạn tình, hoặc có bạn tình bị mắc STD, bạn nên làm xét nghiệm chlamydia hàng năm. Đồng tính nam, người lưỡng tính và những nam giới có quan hệ đồng tính khác; cũng như phụ nữ mang thai, cũng cần được xét nghiệm chlamydia.

stis screening
Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục khi mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé

Tôi đang mang thai. Chlamydia ảnh hưởng đến con tôi như thế nào?

Nếu đang mang thai và bị nhiễm chlamydia, bạn có thể truyền bệnh sang con mình trong quá trình sinh nở. Con bạn khi sinh ra có thể bị nhiễm trùng mắt hoặc viêm phổi. Chlamydia còn có thể khiến cho bạn bị sinh non.

Nếu đang mang thai, bạn nên làm xét nghiệm chlamydia ngay từ đợt thăm khám tiền sinh đầu tiên. Xét nghiệm và điều trị là cách tốt nhất để phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe.

Làm sao tôi biết mình bị mắc chlamydia?

Hầu hết những người bị chlamydia đều không có triệu chứng. Dù có thì chúng cũng không xuất hiện sau vài tuần kể từ khi bạn quan hệ với bạn tình bị nhiễm bệnh. Ngay cả khi không gây ra triệu chứng, chlamydia vẫn có thể làm tổn thương cơ quan sinh sản của bạn.

Triệu chứng ở nữ giới có thể là

  • Dịch âm đạo bất thường;
  • Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện.

Triệu chứng ở nam giới có thể là

  • Dương vật tiết dịch;
  • Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện;
  • Đau và sưng ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn (mặc dù triệu chứng này ít gặp hơn).

Nam giới và nữ giới còn có thể bị nhiễm chlamydia ở phần trực tràng. Hiện tượng này là do quan hệ tình dục qua hậu môn hoặc bị lây truyền từ khu vực bị nhiễm khác (ví dụ như âm đạo). Mặc dù các lây nhiễm này thường không có triệu chứng, nhưng vẫn có thể gây

  • Đau vùng trực tràng;
  • Tiết dịch;
  • Chảy máu.

Bạn phải đi khám bác sỹ nếu nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào kể trên hoặc nếu bạn tình của bạn bị nhiễm STD hoặc có các triệu chứng của STD. Các triệu chứng STD có thể là đau bất thường, dịch có mùi hôi, rát khi tiểu tiện hoặc ra máu khi chưa đến kỳ kinh.

Làm thế nào bác sĩ của tôi biết được tôi có bị nhiễm bệnh chlamydia hay không?

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể chẩn đoán được chlamydia. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể yêu cầu bạn cung cấp mẫu nước tiểu hoặc sử dụng (hoặc yêu cầu bạn sử dụng) gạc bông để lấy mẫu từ âm đạo của bạn để xét nghiệm chlamydia.

Có thể chữa khỏi chlamydia không?

Có, có thể chữa được chlamydia nếu điều trị đúng cách. Điều quan trọng là bạn phải sử dụng hết các thuốc mà bác sĩ kê đơn để chữa khỏi căn bệnh truyền nhiễm này. Điều trị đúng cách sẽ ngăn ngừa việc lây nhiễm, giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng về sau. Không được dùng chung thuốc điều trị chlamydia với người khác.

Việc bị lại chalmydia là điều rất phổ biến. Bạn phải xét nghiệm lại sau ba tháng kể từ khi được điều trị khỏi ngay cả khi (các) bạn tình của bạn cũng đã được điều trị.

Tôi đã được điều trị chlamydia. Khi nào tôi có thể quan hệ tình dục lại?

Bạn không nên quan hệ lại cho đến khi bạn và (các) bạn tình của mình đã điều trị triệt để. Nếu bác sỹ của bạn kê đơn chỉ có một liều, bạn phải chờ bảy ngày sau lần uống đó rồi mới được quan hệ tình dục trở lại. Nếu bác sỹ của bạn kê đơn uống trong bảy ngày, bạn phải chờ cho đến khi uống hết các liều mới được quan hệ tình dục trở lại.

Chuyện gì xảy ra nếu tôi không được điều trị?

Thường không nhận biết được các tổn hại ban đầu của chlamydia. Tuy nhiên, chlamydia có thể gây nên những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Nếu là nữ giới, không điều trị chlamydia có thể làm bệnh lan tới tử cung và ống dẫn trứng (là ống mang trứng đã được thụ tinh từ buồng trứng tới tử cung). Đây có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm vùng chậu (PID). PID không có triệu chứng, tuy nhiên một số nữ giới có thể bị đau bụng và vùng chậu. Ngay cả khi không có triệu chứng thời gian đầu, PID vẫn có thể gây tổn thương vĩnh viễn tới cơ quan sinh sản của bạn. PID có thể gây đau vùng chậu lâu dài, làm mất khả năng có con, mang thai ngoài tử cung (thai nằm ngoài tử cung).

Nam giới hiếm khi gặp phải các vấn đề về sức khỏe liên quan đến chlamydia. Bệnh đôi khi lây truyền từ tinh hoàn tới ống dẫn tinh, gây đau và sốt. Trong những trường hợp hiếm gặp, chlamydia có thể khiến nam giới không thể có con.

Bệnh chlamydia không được điều trị còn có thể làm tăng nguy cơ mắc hoặc lây truyền HIV – loại vi rút gây ra bệnh AIDS.

Theo CDC

Bài viết này hữu ích với bạn?

Bình luận của bạn

TÓM TẮT BÀI VIẾT